Hành trình gian nan phát triển nền kinh tế số

Nhiều vấn đề còn tồn tại và những sự bất cập trong việc triển khai chính phủ điện tử đã được những người đứng đầu các cơ quan quản lý chuyên ngành nêu ra tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018, phác thảo nên một cuộc hành trình đầy gian nan để hướng tới chính phủ số và kinh tế số.Nhiều vấn đề còn tồn tại và những sự bất cập trong việc triển khai chính phủ điện tử đã được những người đứng đầu các cơ quan quản lý chuyên ngành nêu ra tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018, phác thảo nên một cuộc hành trình đầy gian nan để hướng tới chính phủ số và kinh tế số.

Sự kiện Vietnam ICT Summit 2018 diễn ra ngày 18-7 vừa qua tại Hà Nội, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam  (VINASA) phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân tổ chức. Đây cũng là lần thứ 8 chương trình được tổ chức và chủ đề của năm nay là “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”.

Chính phủ số và yêu cầu đổi mới

Phát biểu tại sự kiện, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở trong nước và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nội dung của diễn đàn. Theo ông, các chuyên đề thảo luận có sự liên quan mật thiết đến nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử - một mục tiêu quan trọng của chính phủ trong giai đoạn 2018-2020, hướng tới 2025.
Thủ tướng mong muốn diễn đàn góp phần tạo ra nhận thức chung sâu sắc hơn về các đặc trưng cơ bản của kinh tế số như những đặc trưng về tính chia sẻ, về giá trị gia tăng hay nền tảng ứng dụng công nghệ số, những đặc tính của sản phẩm như cấu trúc, giá trị, quy mô và tính cá biệt, truy xuất nguồn gốc, phương thức phân phối và thị trường..., từ đó lựa chọn được hướng đi phù hợp, phát huy tốt các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong phát triển kinh tế số.
Chính phủ Việt Nam bắt đầu xây dựng chính phủ điện tử ngay từ đầu những năm 2000, gắn với quá trình đổi mới thể chế và cải cách nền hành chính và đã có những kết quả nhất định. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã có những ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng nhìn nhận rằng việc triển khai chính phủ điện tử còn rất chậm và không đồng đều, các kết quả đạt được chưa đáp ứng với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Cụ thể, còn nhiều tồn tại và bất cập như cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu thốn nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng thông tin có mức độ an toàn thấp, cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin còn bất cập, tốc độ xây dựng các cơ sở dữ liệu chưa được kết nối thông suốt. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, khâu giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc chủ yếu theo lối thủ công, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 (cấp độ cao nhất) còn ít và chưa đa dạng.
Thủ tướng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lịch sử song cũng đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước. Để không bỏ lỡ cơ hội này, trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số.
Từ định hướng nêu trên, ông nhấn mạnh việc xây dựng chính phủ điện tử phải gắn liền với vai trò của người đứng đầu, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính cần được đẩy mạnh và bảo đảm tính thiết thực, hữu hiệu. Do vậy, Việt Nam đang thiết lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo; các thành viên ủy ban là các bộ trưởng các bộ có liên quan, đồng thời có sự tham gia của những người đại diện cho khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công-tư trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương trong mục tiêu hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế pháp luật, chính sách nền tảng cho xây dựng chính phủ điện tử, cụ thể là đầu tư cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối chia sẻ dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân, xác thực điện tử cá nhân… “Muốn làm cách mạng thành công, trước hết phải xây dựng được lực lượng cách mạng. Nguồn nhân lực thông minh cộng với sự sáng tạo là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu đa dạng hóa nguồn lực để phát triển chính phủ điện tử trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư trong ngắn hạn và trung hạn, bao gồm nguồn lực tài chính và nguồn lực con người.
Bên cạnh đó, phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về chính phủ điện tử - chính phủ số, kinh tế số, hạ tầng số…
Các chương trình truyền thông sẽ giúp nâng cao nhận thức thay đổi thói quen hành vi, tạo sự đồng thuận của các bên về phát triển chính phủ điện tử, song song đó, đẩy mạnh việc tổ chức đào tạo, tập huấn và đẩy mạnh việc chia sẻ, sử dụng lại dữ liệu.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian trưng bày sản phẩm công nghệ tại Vietnam ICT Summit 2018

Thúc đẩy những nhân tố tích cực

Tại nhiều nền kinh tế phát triển, chính phủ số được công nhận là một sáng kiến quan trọng đối với cải cách hành chính công, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí và tăng cường sự hiệu quả quản lý và lợi ích cho cả chính phủ và người dân. Việc xây dựng chính phủ số tạo ra các giá trị mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công, giúp các chính phủ minh bạch và hiệu quả hơn. Trong khi đó, dữ liệu mở sẽ cho phép mọi người truy cập và sử dụng dữ liệu thông tin được nhanh chóng, chính xác, tạo các cơ hội lớn để phát triển kinh tế số.

Các diễn giả đến với Vietnam ICT Summit 2018 đã đem đến những câu chuyện thành công của một số nền kinh tế trong việc xây dựng chính phủ số. Estonia là một ví dụ điển hình. Quốc gia nhỏ bé này dành từ 1-1,4% ngân sách hằng năm cho xây dựng chính phủ điện tử, giúp thu về thêm 2% GDP mỗi năm. Hiện tại, 99% số dịch vụ công của Estonia được cung cấp trực tuyến, biến mọi công dân thành công dân điện tử, mọi doanh nghiệp thành doanh nghiệp điện tử. Trong khi đó, năm 2009, Malaysia thành lập Cơ quan quản lý và thực thi hiệu quả Chính phủ (Performance Management Delivery Unit) nhằm đảm bảo cho sự thành công của chương trình chuyển đổi quốc gia (National Transform Program – NTP). Trong vòng tám năm, cơ quan nói trên của Malaysia tạo ra thêm 2,6 triệu việc làm, tỷ lệ thâm hụt ngân sách giảm từ 6,6% xuống còn 3%.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã công bố cuộc khảo sát về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong các tổ chức, doanh nghiệp trong nước. Theo đó, khi được hỏi về ba nhân tố quan trọng nhất để Việt Nam phát triển nền kinh tế số, đa số ý kiến đều cho rằng việc xây dựng chính phủ số kiến tạo, hành động minh bạch, có hiệu lực, có hiệu quả; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao cho người dân, doanh nghiệp là quan trọng nhất (76,1%); tiếp theo là phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (57%); và cuối cùng là phát triển hạ tầng số và dữ liệu mở (50%). Ngoài ra, ba nhân tố được cho là quan trọng nhất để giúp tổ chức, doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là: tầm nhìn và sự quyết tâm của lãnh đạo (90%); xây dựng kế hoạch chuyển đổi số cụ thể (68,3%); đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực cho phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số (51,7%).

Không chỉ đưa ra các ý kiến đề xuất và khuyến nghị, nhiều doanh nghiệp còn mang đến sự kiện các giải pháp công nghệ mới nhằm phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi số của nền kinh tế. Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT, đơn vị này sẵn sàng tư vấn và đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc để xây dựng chính phủ số. Ông Sơn cho biết FPT có lợi thế về nguồn lực, đó là hơn 1.500 chuyên gia trong lĩnh vực công, có sự am hiểu sâu rộng về nghiệp vụ cải cách hành chính. Chính vì vậy, FPT cam kết sẽ đồng hành hướng tới sự thành công trong việc triển khai chính phủ số tại Việt Nam.

Doanh nghiệp này cũng giới thiệu hệ thống chính quyền điện tử được đơn vị này xây dựng cho tỉnh Quảng Ninh. Hiện, đã có hơn 400 đơn vị hành chính của Quảng Ninh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử, trên 3,7 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng trong ba năm qua, từ đó giúp tiết kiệm mỗi năm hơn 30 tỉ đồng chi phí hành chính.

Ngoài ra, với hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến, trên 600.000 hồ sơ được giải quyết mỗi năm, giúp tiết kiệm chi phí xã hội trung bình mổi năm hơn 70 tỉ đồng. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử được triển khai giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, cho phép người dân tham gia giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước…

Trong cuộc đua về cung cấp dịch vụ cho phát triển chính phủ số còn có một gương mặt khác là Viettel. Người đại diện của tập đoàn này cho hay, hạ tầng số của Viettel đã trải rộng khắp, phủ tới 95% dân số Việt Nam với 67.000 trạm thu phát sóng 3G, 4G; công nghệ cáp quang phủ tới từng xã, hộ gia đình. Viettel cũng có năm trung tâm dữ liệu chuẩn Tier 3, đủ khả năng phục vụ cho hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông cùng một lúc.

Theo ông Phùng Văn Cường, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom, đơn vị này đang thực hiện nhiều dự án phần mềm cho chính phủ điện tử như dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dựa trên thông tin chứng minh thư, thẻ căn cước; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành y tế; xây dựng dữ liệu học bạ điện tử…

“Hạ tầng số mà Viettel đang sở hữu và xây dựng sẽ đảm bảo cho sự thành công của chính phủ số, góp phần giải quyết các nhu cầu của xã hội”, ông Cường cho biết.
Vietnam ICT Summit 2018 tập trung thảo luận theo ba chuyên đề chính, bao gồm chính phủ số, kinh tế số và hạ tầng số. Trong đó, chuyên đề chính phủ số tập trung thảo luận việc xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, minh bạch, hiệu quả, cung cấp dịch vụ công trực tuyền cấp độ cao cho người dân và doanh nghiệp. Trong chuyên đề kinh tế số, các cuộc thảo luận tập trung vào việc xây dựng môi trường kinh doanh số; lựa chọn các ưu tiên phát triển kinh tế số của Việt Nam (nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, tài chính ngânh hàng…); thúc đẩy các nền tảng, mô thức kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo. Về hạ tầng số, thảo luận đề cập đến việc xây dựng các cấu phần của hạ tầng số phù hợp với chính phủ số và phát triển kinh tế số của Việt Nam như hạ tầng thiết bị, hạ tầng kết nối, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng và hạ tầng nhân lực.

(Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online)

https://www.thesaigontimes.vn/275840/hanh-trinh-gian-nan-phat-trien-nen-kinh-te-so.html
 

14/08/2018 - Đã xem: 499

THÔNG TIN LIÊN HỆ

THÔNG TIN LIÊN HỆ
PHÒNG XÚC TIẾN & KHỞI NGHIỆP
VCCI CẦN THƠ
Số 12 Hòa Bình, P. An Cư, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ
Phone: 0292 3 824 918 (106)
Fax: 0292 3 824 169
Email: Mekongstartupnetwork@gmail.com
Hotline: 0977 090 129 (Ms Mỹ Xuyên)

Dịch Vụ Cung Cấp

 Khóa đào tạo “Lập kế hoạch kinh doanh và kỹ năng thuyết trình ” tại Cần Thơ Khóa đào tạo “Lập kế hoạch kinh doanh và kỹ năng thuyết trình ” tại Cần Thơ

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp cùng các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức khóa đào tạo “Lập kế hoạch kinh doanh và kỹ năng thuyết trình ” tại Cần Thơ

Mentor trong khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo – hướng đi bền vững Mentor trong khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo – hướng đi bền vững

Để xây dựng và phát triển thành công hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh, thời gian qua, Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp liên kết, hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan để từng bước hoàn thiện các thành tố còn thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh.

AN GIANG - Tìm ý tưởng kinh doanh AN GIANG - Tìm ý tưởng kinh doanh

Trong khuôn khổ “Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2017”, tiếp nối thành công của Khóa đào tạo “Tìm ý tưởng kinh doanh và các thủ tục pháp lý cần thiết cho khởi sự doanh nghiệp” tại Cần Thơ, VCCI Cần Thơ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang, Tỉnh đoàn tỉnh An Giang tổ chức khóa đào tạo

CẦN THƠ - Tìm ý tưởng kinh doanh CẦN THƠ - Tìm ý tưởng kinh doanh

Trong khuôn khổ “Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ tổ chức khóa đào tạo “Tìm ý tưởng kinh doanh và các thủ tục pháp lý cần thiết cho khởi sự doanh nghiệp” dành cho các sinh viên, thanh niên của Thành phố Cần Thơ vào ngày 12/09/ vừa qua.