Khởi nghiệp từ nét đặc trưng văn hóa
Khi những người lái xe ôm ojek mỏi mệt đứng hàng giờ để chờ khách thì Nadiem Makarim đến với họ, cùng tán gẫu, và rồi tạo ứng dụng kéo khách hàng đến cho họ. Khi những ojek đã trở thành một đội ngũ công nghệ Go-Jek lớn mạnh thì Makarim tìm thêm việc cho họ, từ mang bữa ăn đến thực phẩm cho cư dân thành phố.
Ông Nadiem Makarim. Ảnh: Reuters

Go-Jek đang phát triển rất nhanh và đa dạng dịch vụ nhằm thu hút thêm nhiều khách hàng. Khi cư dân đô thị chưa sẵn tiền hay không có tài khoản ngân hàng thì Makarim mang đến cho họ cùng các cửa hàng bán lẻ phương tiện thanh toán bằng ứng dụng Go-Pay nằm ngay trong chiếc điện thoại mỗi người. Go-Jek nổi lên như một ứng dụng gọi xe nhưng nay đã trở thành một hệ sinh thái thương mại dịch vụ, không chỉ ở Indonesia mà lan rộng đến các nước Đông Nam Á cùng chung đặc trưng văn hóa. Trên trang web của mình, công ty của Indonesia này cho biết sẽ hiện diện ở thị trường Việt Nam từ tháng 7 này với dịch vụ xe máy Go-Bike và dịch vụ giao nhận hàng hóa Go-Send thông qua đối tác Go-Viet.

Trở về và làm điều gì đó cho đất nước

Ở vào lứa tuổi 33, Makarim đã là một doanh nhân thành đạt khi giá trị doanh nghiệp Go-Jek do anh đồng sáng lập và điều hành từ năm 2010 đã vọt lên đến 5 tỉ đô la Mỹ. Sinh ra trong một gia đình có ông nội là anh hùng giải phóng dân tộc, bố là luật sư nổi tiếng còn mẹ là một nhà hoạt động chống tham nhũng, Makarim đã học được những giá trị truyền thống ngay từ nhỏ, và cũng mang trong mình những đặc trưng văn hóa thuần túy Đông Nam Á. Makarim chia sẻ với tờ Inc Southest Asia rằng: “Ngay từ nhỏ, họ luôn nhắc nhở tôi rằng, dù đi học ở nước ngoài, tôi nên trở về quê hương và làm điều gì đó cho đất nước vì đó là nơi kết nối chúng tôi thành một gia đình”.

Và thực tế là Makarim đã trở thành sản phẩm giáo dục toàn cầu: Học các bậc tiểu học tại Jakarta, trung học tại New York, cao học tại Singapore trước khi trở thành sinh viên Trường Đại học Brown danh tiếng ở Mỹ. Năm 2006, Makarim trở về Jakarta và làm việc cho Tập đoàn McKindsey, cùng bạn bè “thai nghén” ý tưởng thành lập Go-Jek ngay trên quê hương mình và rồi trở lại Mỹ để học thêm về ngành quản trị tại Trường Kinh doanh Harvard.

Go-Jek không phải là cái tên xa lạ tại Đông Nam Á, và sau khi Uber rút lui khỏi vùng này thì Grab và Go-Jek trở thành hai đối thủ cạnh tranh ngang ngửa, hay nói cách khác Go-Jek và Grab đang tranh đua với nhau. Bởi, Nadiem Makarim và Anthony Tan, người đồng sáng lập và điều hành ứng dụng gọi xe Grab là hai bạn đồng môn thân thiết và cùng nhau trao đổi học hỏi về quản lý trong khi hoàn thành chương trình MBA. Cả hai cùng có chí hướng trở về xây dựng quê hương, với Tan là Singapore và với Makarim là Indonesia, để rồi từ đó phát triển ra toàn vùng Đông Nam Á. Chính trong cuộc tranh đua này người ta thấy nổi lên sự khác biệt giữa các tài năng trẻ và sự khác biệt làm cho cả hai đều thành công. Mãi đến tháng 1-2015 nghĩa là sau bốn năm Go-Jek mới chính thức thành lập dưới dạng một công ty cung cấp ứng dụng công nghệ điều hành bởi Makarim cùng Moran. Nhưng ngay năm sau, 2016, CB Insights định giá công ty đến 1,8 tỉ đô la Mỹ và Go-Jek trở thành công ty khởi nghiệp kỳ lân đầu tiên tại Indonesia.

Thực ra Go-Jek đã nổi lên như một hiện tượng, khởi đầu với chỉ 20 tài xế xe ôm trong năm 2010. Makarim đã chọn bốn năm đầu với đội ngũ ojeck ít ỏi để thu thập dữ liệu mà không ai chú ý, và rồi để cho doanh nghiệp bùng phát kể từ 2015 khiến không ai theo kịp nhằm đón bắt luồng vốn đầu tư, và sau đó nhanh chóng mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh hậu cần, tiếp theo là dịch vụ tài chính với Go-Pay. Go-Jek xứng đáng là một kỳ lân công nghệ, và Makarim xứng đáng là một MBA Harvard trong tầm nhìn, tri thức nhanh nhẹn và sự thấm nhuần văn hóa Đông Nam Á. Mọi chuyện diễn ra nhanh đến nỗi chỉ hai năm sau Go-Jek xuất hiện nơi vị trí thứ 17 trong danh sách Fortune 2017 về 50 công ty làm thay đổi thế giới, cùng với Apple ở thứ 3, Unilever thứ 21 và Microsoft thứ 24.

Ngày nay, hệ sinh thái mà Go-Jek tạo ra gồm trên một triệu lái xe và vây quanh đó là 18 ứng dụng phổ biến.

Phát triển hệ sinh thái dịch vụ

Tính đến tháng 8-2016 Go-Jek đã nâng vốn lên mức 550 triệu đô la Mỹ từ hai nhà đầu tư lớn là Astra International Tbk và PT Global Digital Niaga ở Indonesia, tiếp sau đó là từ các tập đoàn nước ngoài đổ vào, bao gồm Google ở Mỹ và Tencent ở Trung Quốc. Đến tháng 5 vừa qua, số ứng dụng nâng lên con số 20 trên cùng một nền tảng, tính cả hai nội dung kinh doanh trực tuyến, tạo thành một hệ thống dịch vụ theo yêu cầu. Việc tích hợp cả 20 ứng dụng trên cùng một nền tảng cho cả lái xe và khách hàng, cho cả dịch vụ gọi xe, hậu cần và tài chính, và cho cả các tập quán, ngôn ngữ khác nhau cho thấy năng lực thiết kế và điều hành tuyệt vời của Makarim và đội ngũ Go-Jeck. Ngày nay người Indonesia đã khá quen với những ứng dụng gọi xe Go-Ride, Go-Car, Go-Bluebird, hậu cần Go-Send, Go-Box, gọi bữa ăn Go-Food, gọi thực phẩm Go-Mart, mang hàng Go-Shop, mua vé Go-Tix, mang thuốc Go-Med, đấm bóp Go-Massage, làm đẹp Go-Glam, lau chùi nhà cửa Go-Clean, sửa xe Go-Auto, thanh toán số và ví điện tử Go-Pay, thanh toán hóa đơn Go-Bills…

Nhưng càng về sau chúng ta thấy mọi chuyện đối với Go-Jek và Makarim không dừng lại tại đó mà phát triển theo một lộ trình rõ rệt. Trong môi trường kinh tế và địa lý đặc biệt của quốc gia hải đảo cũng là nước đông dân thứ 4 thế giới đang thực hiện những bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế Internet, ứng dụng gọi xe Go-Jek bắt đầu từ dịch vụ xe ôm vận chuyển hành khách, mở thêm dịch vụ giao nhanh thực phẩm rồi giao hàng, phát triển thêm dịch vụ gọi xe bốn bánh và nay mua về cùng lúc ba công ty công nghệ tài chính để mở rộng dịch vụ thanh toán di động Go-Pay, nhắm đến cạnh tranh với các đối thủ nặng ký như Grab và tới đây có thể cả với Didi đến từ Trung Quốc. Makarim đã vạch ra một lộ trình, bắt đầu từ những chiếc xe hai bánh giữa những thành phố đông đúc chật hẹp để rồi từ đó vươn lên chiếm lĩnh thị trường, ngăn chận bước tiến của các đối thủ, và phát triển ra các lĩnh vực khác tạo nên một hệ sinh thái vây quanh ứng dụng gọi xe.

Cuối năm 2017, Go-Jek cho biết đang có 900.000 đầu xe, 15 triệu người sử dụng dịch vụ mỗi tuần. Bên cạnh ứng dụng gọi xe còn có 125.000 nhà bán lẻ hoạt động trên nền tảng của họ với hơn 100 triệu giao dịch mỗi tháng và dịch vụ thanh toán trên nền tảng cũng lên đến 5 tỉ đô la Mỹ, bao gồm bộ ba thanh toán di động Go-Pay, thanh toán thẻ, và túi tiền điện tử. Tháng 8-2017, Jon Russell trên trang techcrunch.com cho biết công ty thương mại điện tử JD.com từ Trung Quốc đã chấp thuận một khoản đầu tư mới lên đến 1,2 tỉ đô la Mỹ vào Go-Jek Indonesia, và việc này làm nâng giá thị trường công ty khởi nghiệp Go-Jek chỉ mới thành lập bảy năm trước lên mức 3 tỉ đô la Mỹ.

Cùng lúc này Makarim cho biết: “Go Jek đã chiếm 50% hoạt động vận tải của Indonesia nói chung và và 95% thị trường giao nhận đồ ăn nói riêng”. Những con số cập nhật từ Go-Jek đang tăng lên rất nhanh. Đến tháng 5-2018, tổng số đầu xe các loại đã vượt quá 1 triệu chiếc, hàng trăm ngàn tiệm ăn chấp nhận Go-Food, và 30.000 chuyên viên thực hiện các dịch vụ Go-Massage, Go-Glam, Go-Clean và Go-Auto.

Mở rộng thị trường, dịch vụ

Go-Jek đã trở thành một hệ sinh thái thương mại dịch vụ, không chỉ ở Indonesia mà lan rộng đến các nước Đông Nam Á có cùng chung nét đặc trưng văn hóa.

Việc Go-Jek mua về cùng một lúc công ty thanh toán di động ngoại tuyến Kartuku, cổng thanh toán điện tử Midtrans và công ty cho vay tài chính Mapan cho thấy họ chẳng những cũng cố mà còn đầy nhanh dịch vụ thanh toán Go-Pay. Makarim cho biết dịch vụ thanh toán di động này sẽ bao gồm cả trực tuyến và ngoại tuyến. Công ty đang nắm bắt cơ hội cung cấp dịch vụ thanh toán cơ bản cho phần lớn người dân Indonesia không có tài khoản ngân hàng, trong khi các loại thẻ tín dụng cũng mới chiếm dưới 5% trong một đất nước đông dân như thế này.

Phát biểu nhân công bố việc sáp nhập những công ty mới, Makarim nói: “Chúng tôi đang đưa Go-Jek sang một giai đoạn mới. Với việc sáp nhập này chúng tôi cùng làm việc tay trong tay với ba công ty có cùng chung một tầm nhìn và đặc tính. Điều này đánh dấu bước phát triển quan trọng của chúng tôi giữa một Indonesia đang sung sức với công nghệ tài chính”. Cả ba nhà lãnh đạo những công ty sáp nhập Thomas Husted, Aldi Haryopratomo và Ryu Suliawan sẽ cùng tham gia hàng ngũ lãnh đạo tại Go-Jek và Go-Play.

Ứng dụng gọi xe ở Đông Nam Á có thể đạt đến mức 20 tỉ đô la vào năm 2025, theo một nghiên cứu vừa công bố của Google, từ mức 5 tỉ đô la của năm 2017 mà vốn đã tăng gấp đôi so với hai năm trước đó. Tại Asia Conference diễn ra ở Jakarta, Makarim cho hãng tin Bloomberg biết công ty nhắm đến thực hiện IPO bán cổ phiếu ra công chúng vào năm 2018, và cũng ưu tiên phát triển dịch vụ thanh toán di động Go-Pay trong năm này. Một trong các lý do là Go-Jek từ dịch vụ căn bản chia sẻ xe hai bánh đã mở ra thành công dịch vụ phân phối thực phẩm lớn nhất Indonesia. Makarim hy vọng khách hàng từ nay sẽ sử dụng phương tiện thanh toán Go-Pay để trả tiền cho những ly cà phê, những món hàng thực phẩm, để mua các loại vé và cả những nhu cầu thanh toán bên ngoài các hoạt động của Go-Jek. Ông nói: “2018 sẽ là năm của Go-Pay” và thêm rằng nhiều hợp đồng với các đối tác sẽ được ký trong năm mới này để mở túi tiền điện tử của Go-Jek cho cả các dịch vụ online và offline cho các nhà buôn trên khắp đất nước.

Trước đây vài năm chẳng ai ngờ một công ty khởi nghiệp khiêm tốn với chỉ một ứng dụng gọi xe dành cho những chiếc xe ôm trên những đường phố chật hẹp lại tiến tới thiết lập một nền tảng thương mại cho hàng ngàn nhà buôn và rồi thiết lập cả nền tảng thanh toán di động cho họ. Go-Jek đang lên ngôi, nhưng là sự lên ngôi bắt buộc khi chính Grab từ Singapore cũng đang đầu tư vào dịch vụ thanh toán GrabPay và bỏ ra 700 triệu đô la để phát triển kinh doanh tại Indonesia sau khi nhận được tài trợ lên đến 2 tỉ đô la mà một phần trong đó từ đối thủ tiềm tàng của Go-Jek là Didi ở Trung Quốc, phần còn lại từ Softbank tại Nhật Bản. Khi mà Uber đã rút lui khỏi Đông Nam Á và bàn giao cơ sở kinh doanh tại sáu nước cho Grab thì cuộc tranh đua giữa hai người bạn đồng môn càng thêm hào hứng. Và, trong khi Anthony nắm ưu thế trung tâm tài chính khu vực để mở ra các nước thì Makarim chiếm ưu thế phát triển văn hóa Đông Nam Á và tạo nên một hệ sinh thái kinh doanh dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống này.

(Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online)
13/07/2018 - Đã xem: 577

THÔNG TIN LIÊN HỆ

THÔNG TIN LIÊN HỆ
PHÒNG XÚC TIẾN & KHỞI NGHIỆP
VCCI CẦN THƠ
Số 12 Hòa Bình, P. An Cư, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ
Phone: 0292 3 824 918 (106)
Fax: 0292 3 824 169
Email: Mekongstartupnetwork@gmail.com
Hotline: 0977 090 129 (Ms Mỹ Xuyên)

Dịch Vụ Cung Cấp

 Khóa đào tạo “Lập kế hoạch kinh doanh và kỹ năng thuyết trình ” tại Cần Thơ Khóa đào tạo “Lập kế hoạch kinh doanh và kỹ năng thuyết trình ” tại Cần Thơ

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp cùng các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức khóa đào tạo “Lập kế hoạch kinh doanh và kỹ năng thuyết trình ” tại Cần Thơ

Mentor trong khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo – hướng đi bền vững Mentor trong khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo – hướng đi bền vững

Để xây dựng và phát triển thành công hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh, thời gian qua, Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp liên kết, hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan để từng bước hoàn thiện các thành tố còn thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh.

AN GIANG - Tìm ý tưởng kinh doanh AN GIANG - Tìm ý tưởng kinh doanh

Trong khuôn khổ “Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2017”, tiếp nối thành công của Khóa đào tạo “Tìm ý tưởng kinh doanh và các thủ tục pháp lý cần thiết cho khởi sự doanh nghiệp” tại Cần Thơ, VCCI Cần Thơ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang, Tỉnh đoàn tỉnh An Giang tổ chức khóa đào tạo

CẦN THƠ - Tìm ý tưởng kinh doanh CẦN THƠ - Tìm ý tưởng kinh doanh

Trong khuôn khổ “Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ tổ chức khóa đào tạo “Tìm ý tưởng kinh doanh và các thủ tục pháp lý cần thiết cho khởi sự doanh nghiệp” dành cho các sinh viên, thanh niên của Thành phố Cần Thơ vào ngày 12/09/ vừa qua.