Startup: có gieo, thì sẽ gặt
“Muốn trở thành nền kinh tế sáng tạo, phải bắt đầu từ giáo dục”, người chịu trách nhiệm xúc tiến các chương trình sáng tạo của Đài Loan chia sẻ với tôi như thế. “Cách đây 10 năm, chúng tôi đã có thành phố thông minh. Giờ, tổng cộng là 11 cái. Làm được vậy, không phải nhờ phần cứng. Tất cả, là do phần mềm, do nguồn vốn con người, do giáo dục mà nên. Và đó, chính là cái Việt Nam còn thiếu”.

Startup Việt - Ta ở đâu?

Mấy năm nay, chúng ta chăm chỉ tổ chức thi khởi nghiệp (startup). Sau khi dự chấm thi khởi nghiệp hàng trăm cuộc từ Bắc chí Nam, tôi thấy startup Việt Nam chia làm ba loại. Loại thứ nhất có liên quan đến công nghệ. Tuy nhiên, như lời của một vị giáo sư Thụy Sỹ làm giám khảo trong một cuộc thi, “Việt Nam 99% là làm app (ứng dụng)”. Thường các bạn sẽ app hóa một quy trình hay dịch vụ nào đó đang làm tay, ví dụ như đặt phòng khách sạn, đặt tour du lịch, giao hàng, học tiếng Anh, đặt hẹn khám bệnh...

Nếu không là app, thì loại thứ hai copy (sao chép) các ứng dụng công nghệ đã có trên thế giới. Tuy nhiên, khi copy lại thiếu đầu tư nghiên cứu, dẫn đến việc tạo ra prototype (sản phẩm mẫu) kém hơn về tính năng và chất lượng, đi sau thế giới từ 5-10 năm. Loại thứ ba, tạo ra sản phẩm hàng tiêu dùng, hay mô hình bán lẻ nào đó, hoàn toàn không liên quan gì đến nghiên cứu khoa học hay ứng dụng công nghệ. Các bạn chỉ tạo ra sản phẩm nào đó dựa trên sự sẵn có của nguyên vật liệu tại địa phương. Sản phẩm tạo ra đôi khi rất thô sơ, không mang lại giá trị gia tăng cho người dùng.

Startup Việt, dù khác nhau về cách tiếp cận, nhưng có một điểm chung. Tất cả đều bắt đầu quy trình bằng cách nảy ra một ý tưởng, rồi lao vào thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu mang đi thi. Phần lớn thực hiện chỉ 2 bước trong quy trình 5 bước về tư duy thiết kế và sáng tạo. Đến 99% startup Việt là như thế. Dĩ nhiên, vẫn tồn tại 1% các sáng lập viên là những bạn được học bài bản từ nước ngoài về, hoặc có sự tham gia của thành viên sáng lập nước ngoài, Việt kiều, và có đầu tư nghiên cứu sáng tạo.

Startup ngoại - Họ ở đâu?

Trong chương trình trao đổi startup vừa qua của SiHub (Saigon Innovation Hub) với Hàn Quốc, Singapore và Malaysia, tác giả là người trực tiếp phỏng vấn và lựa chọn các startup của ba quốc gia này để tham gia chương trình tiếp cận thị trường Việt Nam. Tất cả các startup tham gia chương trình, dù ở những mức độ đầu tư khác nhau, đều có một điểm chung, tất cả các nhóm đều dày công nghiên cứu. Đến 90% trong số này có bằng sáng chế, dựa vào những ngành công nghệ được định nghĩa rất rõ ràng, ví dụ như IoT - mạng lưới vạn vật kết nối, mobility - vận chuyển, AI - trí tuệ nhân tạo, VR - thực tế ảo, FinTech - công nghệ tài chính...

Ngoài sự khác biệt cơ bản về việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật làm nền tảng, có sự khác biệt lớn về tầm nhìn và chiến lược phát triển. Ngay từ khi khởi nghiệp, các nhóm nước ngoài đã vẽ rất rõ điểm đến của họ là khu vực và thế giới, vì thế, ngay sau khi đưa sản phẩm ra thị trường, họ đã có những động thái rất khẩn trương để tiếp cận thị trường quốc tế theo thứ tự ưu tiên. Ngồi nghe họ trình bày, tất cả các mentor - cố vấn hỗ trợ tiếp cận thị trường Việt Nam cho các startup nước ngoài đều than: “Họ đi xa quá so với Việt Nam rồi!”.

Tư duy sáng tạo

Sáng tạo, cũng cần phương pháp và tư duy. Thiếu cách tư duy đúng và phương pháp tiếp cận khoa học, ý tưởng và sản phẩm mẫu không thể nào hoàn chỉnh. Gần đây trên thế giới, không chỉ riêng startup mà rất nhiều tổ chức, tập đoàn, công ty cần ứng dụng đổi mới sáng tạo, thường sử dụng phương pháp design thinking - tư duy thiết kế gồm 5 bước.

Bước đầu tiên là thấu cảm, nghĩa là người sáng tạo phải hiểu rất rõ và cảm nhận được khó khăn, thử thách, hay nỗi đau (pain point) của một đối tượng tiêu dùng nào đó. Sau khi thấu cảm, cần định nghĩa và đặt tên vấn đề một cách cụ thể, rõ ràng, dựa trên hiểu biết người dùng. Khi đã qua hai bước này rồi, mới đến bước thứ ba là tạo ra ý tưởng. Đây chính là lỗi của nhiều startup Việt, lao vào bắt đầu từ ý tưởng mà không dựa trên nghiên cứu, hiểu biết, thấu cảm vấn đề của người dùng, dẫn đến tình trạng sản phẩm tạo ra hoặc không giải quyết vấn đề cụ thể, rõ ràng gì của một đối tượng cụ thể, hoặc quên luôn việc xác định đối tượng người dùng cụ thể để nghiên cứu.

Khi đã đi qua ba bước trên, mới đến bước thực hiện sản phẩm mẫu (prototype), và thử nghiệm (test). Quy trình này không dừng lại. Nếu test không thành công, và chuyện test không thành công là điều hết sức bình thường, các nhóm cần phải quay lại từ đầu, tìm hiểu và đặt lại vấn đề, lại cải tiến hay tạo ra ý tưởng mới, làm sản phẩm mẫu và test lại. Đó là lý do mà quốc gia khởi nghiệp cần phải có test-bed (phòng thí nghiệm sống), giúp startup có thị trường thử nghiệm nhỏ để triển khai giải pháp, công nghệ của mình xem có khả thi không trước khi thương mại hóa.

Tại sao lại thế?

Một hệ sinh thái sáng tạo và khởi nghiệp không thể tồn tại bằng cách phát động phong trào. Để có thể tạo ra những startup có giá trị, có tiềm năng, và đóng góp vào sự phát triển không ngừng của một hệ sinh thái, cần phải có sự kết hợp nhịp nhàng của cả hai khu vực công, tư. Trên bề mặt, kinh tế sáng tạo phải được dẫn dắt bằng các hoạt động kết nối, hội nghị, hội thảo, của các tập đoàn lớn và đóng vai trò chính đối với sự phát triển kinh tế (anchor), bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phát triển và đóng góp lớn vào sự phát triển chung của kinh tế quốc gia, cùng các startup tiềm năng.

Ở tầng hỗ trợ phát triển, cần hợp tác công tư, cần một hệ sinh thái bao gồm môi trường ươm tạo, nơi thử nghiệm sản phẩm (test-beds), các chương trình và chính sách hỗ trợ cho nhóm ngành (cluster). Ví dụ đối với Việt Nam, nếu xem nông nghiệp là một ngành trọng điểm, cần có chương trình và chính sách rõ ràng dành cho sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao chẳng hạn. Cuối cùng, hai yếu tố quan trọng hàng đầu, để tạo một hệ sinh thái không hổng chân như hiện nay, là hệ thống giáo dục đổi mới sáng tạo, giáo dục tinh thần kinh doanh, và môi trường nghiên cứu để có những phát minh khoa học kỹ thuật. Thiếu đi đầu tư tập trung, quyết liệt, và việc tạo điều kiện hợp tác công - tư trong các lĩnh vực này, Việt Nam sẽ chẳng bao giờ có khái niệm quốc gia khởi nghiệp.

Một vấn đề nền tảng sau cùng, và quyết định mọi sự thành bại của hệ sinh thái trên, là chính sách đổi mới sáng tạo của chính quyền địa phương và trung ương. Không có chính sách tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi, hỗ trợ về mọi mặt cho hợp tác công tư, cho đầu tư nước ngoài, cho sự lớn mạnh của doanh nghiệp nội địa, startup Việt có tiềm năng sẽ lần lượt, như hiện nay, được mang ra nước ngoài đăng ký và nuôi lớn.

NGUYỄN PHI VÂN - Chủ tịch HĐQT - Retail & Franchise Asia
(Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online)
13/07/2018 - Đã xem: 510

THÔNG TIN LIÊN HỆ

THÔNG TIN LIÊN HỆ
PHÒNG XÚC TIẾN & KHỞI NGHIỆP
VCCI CẦN THƠ
Số 12 Hòa Bình, P. An Cư, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ
Phone: 0292 3 824 918 (106)
Fax: 0292 3 824 169
Email: Mekongstartupnetwork@gmail.com
Hotline: 0977 090 129 (Ms Mỹ Xuyên)

Dịch Vụ Cung Cấp

 Khóa đào tạo “Lập kế hoạch kinh doanh và kỹ năng thuyết trình ” tại Cần Thơ Khóa đào tạo “Lập kế hoạch kinh doanh và kỹ năng thuyết trình ” tại Cần Thơ

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp cùng các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức khóa đào tạo “Lập kế hoạch kinh doanh và kỹ năng thuyết trình ” tại Cần Thơ

Mentor trong khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo – hướng đi bền vững Mentor trong khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo – hướng đi bền vững

Để xây dựng và phát triển thành công hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh, thời gian qua, Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp liên kết, hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan để từng bước hoàn thiện các thành tố còn thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh.

AN GIANG - Tìm ý tưởng kinh doanh AN GIANG - Tìm ý tưởng kinh doanh

Trong khuôn khổ “Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2017”, tiếp nối thành công của Khóa đào tạo “Tìm ý tưởng kinh doanh và các thủ tục pháp lý cần thiết cho khởi sự doanh nghiệp” tại Cần Thơ, VCCI Cần Thơ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang, Tỉnh đoàn tỉnh An Giang tổ chức khóa đào tạo

CẦN THƠ - Tìm ý tưởng kinh doanh CẦN THƠ - Tìm ý tưởng kinh doanh

Trong khuôn khổ “Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ tổ chức khóa đào tạo “Tìm ý tưởng kinh doanh và các thủ tục pháp lý cần thiết cho khởi sự doanh nghiệp” dành cho các sinh viên, thanh niên của Thành phố Cần Thơ vào ngày 12/09/ vừa qua.